CÁC QUY ĐỊNH, CHÍNH SÁCH TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS Số tháng 9/2020 Phần 1

Nam - 02/10/2020

NỘI DUNG BÁO CÁO

  1. Trong nước:
    1. Các chính sách về logistics nói chung

Một số nội dung đáng lưu ý về hoạt động logistics và vận tải trong Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững.

Theo Nghị quyết, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến đại dịch COVID-19 và tác động đa diện của nó trên toàn cầu, có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 ở nhiều nước. Đại dịch cũng là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại về con đường tăng trưởng kinh tế và tầm quan trọng của phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030, trong đó có một số nội dung liên quan đến giao thông vận tải và logistics như:

 Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tái cơ cấu thị trường vận tải một cách hợp lý, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác của hệ thống giao thông vận tải và thúc đẩy vận tải hàng hóa từ đường bộ sang các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, bảo đảm tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn (đường thủy và đường sắt).

- Tiếp tục thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nhanh, đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng, ban hành và áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu cho một số loại phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch (CNG, LPG,...) đối với phương tiện giao thông cơ giới.

- Thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận tải, giảm tiêu hao nhiên liệu; phát triển hoạt động của các sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối mạng lưới vận tải; tiếp cận, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

- Đầu tư phát triển hệ thống giao thông có chú ý đến điều kiện của người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em; thực hiện chính sách miễn giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng đối với người khuyết tật, trẻ em theo quy định.

    1. Hạ tầng phục vụ logistics
  1. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logistics tại tp. Hồ Chí Minh

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) về một số kiến nghị đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố và các tuyến giao thông kết nối, theo đó khẳng định, hạ tầng giao thông kết nối giữa TP HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo ra động lực đột phá, đóng vai trò kết nối hỗ trợ giữa các vùng kinh tế. hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Sau khi cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ GTVT sẽ căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 20/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 5743/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 để tổng hợp các dự án. Bộ GTVT sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân sách Trung ương và tổng hợp trong phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định"

 

  1. Các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng hàng hải theo hướng hiện đại hóa

Kết cấu hạ tầng hàng hải không ngừng phát triển và từng bước hiện đại hóa. Đến nay, số bến cảng được nâng lên 286 bến, gần 83 km chiều dài cầu cảng (tăng 40%) so với những năm 2015, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Ngoài ra, hệ thống các khu neo đậu, bến phao, các khu neo chờ, chuyển tải, tránh trú bão cũng được xây dựng để hình thành hệ thống cảng biển hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu neo đậu, xếp dỡ hàng hóa được nhanh chóng và thuận tiện. Trong số các bến cảng trên, có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mang tính khởi động, vốn mồi: Bến cảng Cái Lân với bến 5, 6, 7; bến cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải. Các bến cảng này được đầu tư đồng bộ cả về cầu cảng, luồng tàu, công trình bảo vệ, tạo tiền đề để các thành phần kinh tế khác tiếp tục đầu tư phát triển các bến cảng tiếp theo, góp phần hình thành các cảng biển cửa ngõ quốc tế và quốc gia. Các tuyến luồng hàng hải công cộng và chuyên dùng, các bến cảng, bến phao, khu neo đậu và hệ thống phụ trợ giúp hành hải đã hình thành nên một hệ thống 6 nhóm cảng biển đồng bộ hiện đại từ Bắc đến Nam, có khả năng tiếp nhận các tàu biển lớn đi châu Âu, châu Mỹ, đáp ứng 100% nhu cầu xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa.

 

Theo nguồn :" Logistics Viet Nam "

CÔNG TY CỔ PHẦN HTM LOGISTICS
avatar
Xin chào
close nav