-
- Vận tải
- Vận tải đường bộ
Thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ ký ngày 17 tháng 01 năm 2013 tại Champasak, Lào; Thực hiện Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư”); Thực hiện Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 15 tháng 9 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BGTVT ngày 17/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ.
Theo đó, điểm đáng lưu ý là Doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi Giấy phép liên vận CLV đối với phương tiện khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép liên vận CLV hoặc có Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu do vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép liên vận CLV không hoạt động vận tải liên vận CLV;
c) Trong thời gian 06 tháng liên tục không hoạt động vận tải liên vận CLV từ 03 chuyến trở lên (chuyến được tính là cả lượt xe đi và về);
d) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động vận tải liên vận CLV theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Thông tư này.”
-
-
- Hàng không
- Phương án nối lại một số đường bay quốc tế
Ngày 08 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về việc nối lại một số đường bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Cùng dự họp có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:
1. Thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn:
- Từ ngày 15 tháng 9 năm 2020 đối với các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei).
- Từ ngày 22 tháng 9 năm 2020 đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).
2. Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).
3. Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.
- Lưu ý điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam:
Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân:
a) Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
b) Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
c) Được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam:
a) Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
b) Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
c) Được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định
Đối với người Việt Nam:
a) Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
b) Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
c) Được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định
- Một số sửa đổi quy định liên quan đến vận chuyển hàng không:
Ngày 28/9/2020, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và Thông tư số 33/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc báo cáo hoạt động và báo cáo số liệu trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TTBGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 bao gồm: Sửa đổi các điểm c và d khoản 1 Điều 1; Sửa đổi, bổ sung Điều 3; Sửa đổi Điều 6; Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3, khoản 5 Điều 8; Sửa đổi, bổ sung Điều 10…
Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 bao gồm, sửa đổi, bổ sung Điều 4; Sửa đổi, bổ sung Điều 13.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2016/TTBGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 bao gồm: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 4; Bãi bỏ điểm g khoản 3 Điều 4…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Thông tư này bãi bỏ: Thông tư số 52/2018/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không và Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
-
-
- Vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg 29/9/2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Cả nước ta có khoảng 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải thủy, trong đó có 45 tuyến vận tải thủy chính, quan trọng với tổng chiều dài hơn 7.000 km do trung ương quản lý. Vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển có ưu thế về giá cước thấp, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, ít ô nhiễm môi trường và an toàn. Đây là phương thức vận tải có tính xã hội hóa cao, nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh và khai thác.
Nhằm phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên và ưu thế của vận tải đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg , bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2019, khối lượng vận tải hàng hóa đạt hơn 300 triệu tấn, chiếm 18,02% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 63 tỷ tấn.km, chiếm 19,66% toàn ngành; tốc độ tăng trưởng vận chuyển bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 10,08%/năm (cao hơn 1,44 lần so với giai đoạn 2011 - 2015). Tuy nhiên, hiện tại còn một số vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, đó là: Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014 bộc lộ những bất cập so với nhu cầu phát triển của giao thông vận tải thủy nội địa; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, kết nối chưa tốt với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ logistics còn thấp; năng lực đóng mới, sửa chữa, hoán cải và quản lý khai thác phương tiện thủy nội địa hạn chế; trình độ đội ngũ thuyền viên còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Cùng với những vấn đề trên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội cả nước nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng, trong đó có vận tải thủy nội địa. Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa và luân chuyển vận tải đường thủy nội địa đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm từ 6,6% đến 10,4%.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, sớm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo đạt được các mục tiêu của vận tải đường thủy nội địa đã đặt ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
1- Tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19 đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
2- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa đối với vận tải thủy nội địa; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.
3- Tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến vận tải thủy nội địa, trong đó lưu ý tăng cường kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
4.-Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn trong đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm.
5- Thu hút đầu tư phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển đội tàu vận tải với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
6- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
7- Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, song song với việc tổ chức, triển khai hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể liên quan đến vận tải thủy nội địa, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...
-
-
- Hàng hải, cảng biển
- Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong ngành hàng hải:
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, từng bước xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, đồng thời xây dựng hệ thống TTHC trong lĩnh vực hàng hải hiệu quả. Đặc biệt, một trong những bước đi mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ của ngành Hàng hải là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số TTHC của Cục Hàng hải Việt Nam là 95 thủ tục, trong đó 51 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 35 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 9 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (mức độ cao nhất). Cục cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và kết nối với trục liên thông văn bản của Bộ GTVT.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại những kết quả tích cực, giúp công tác giải quyết TTHC của Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ hàng hải được công khai, minh bạch, rút gọn thời gian, tạo thuận lợi cho đại lý, chủ tàu và doanh nghiệp vận tải biển trong thực hiện TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Cục.
Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm thủ tục theo phương thức điện tử, Cục đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tàu biển, thuyền viên và đề xuất Bộ GTVT quy định việc liên thông sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu điện tử của các đơn vị liên quan như Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm tra, đối chiếu khi xử lý thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam.
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC để hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết TTHC, bảo đảm không thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ giao thực hiện. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục rà soát các TTHC đã ban hành, kiểm soát chặt chẽ TTHC trong quá trình dự thảo và điều kiện kinh doanh tại các văn bản QPPL để có phương án đề xuất đơn giản hóa hoặc bãi bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; đề xuất Bộ GTVT công bố bãi bỏ hoặc sửa đổi theo quy định.
- Đẩy nhanh công tác xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển
Để triển khai công tác xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện, tuy nhiên, hiện nay việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu chưa được xử lý dứt điểm. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển và sớm có kết quả báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
1. Về việc phân loại và báo cáo kết quả phân loại:
Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6632/TCHQ-GSQL ngày 22/10/2019, công văn số 3230/TCHQ-GSQL ngày 19/5/2020 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Hiện nay, Tổng cục Hải quan chưa nhận được báo cáo kết quả giám định và hoàn thành việc phân loại phế liệu tồn đọng của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, đề nghị 02 Cục Hải quan thành phố khẩn trương hoàn thành việc phân loại, giám định và báo cáo kết quả gửi về Tổng cục Hải quan.
Riêng đối với Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/8/2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5457/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức giám định hàng hóa để hoàn thành việc phân loại, xác định chính xác hàng hóa tồn đọng. Vì vậy, đề nghị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện.
2. Về việc thực hiện bán đấu giá đối với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại và xác định được chính xác hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường:
Ngày 29/5/2020, Tổng cục Môi trường đã có công văn số 1670/TCMT-QLCT về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, theo đó, Tổng cục Môi trường đã thông báo danh sách các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để tham gia tổ chức đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng. Vì vậy, Tổng cục Hải quan chuyển danh sách doanh nghiệp kèm công văn số 1670/TCMT-QLCT nêu trên để Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thông báo cho các doanh nghiệp để nộp hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định.
Theo đó, đối với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại, giám định và xác định chính xác là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện tổ chức bán đấu giá theo quy định cho các doanh nghiệp theo danh sách gửi kèm công văn số 1670/TCMT-QLCT nêu trên của Tổng cục Môi trường. Đối với các lô hàng chưa hoàn thành việc phân loại, giám định và chưa xác định được chính xác là phế liệu thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện phân loại, giám định để sớm kết thúc việc xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển.
3. Về việc tái xuất các container phế liệu xác định là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường:
Ngày 08/7/2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4589/TCHQ- GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tái xuất phế liệu tồn đọng, theo đó, để để việc tái xuất container phế liệu tồn đọng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đồng thời việc quay vòng vỏ container không gặp vướng mắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện:
- Trước khi thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách, báo cáo các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu, số container, số seal về Tổng cục Hải quan để rà soát, thiết lập tiêu chí. Sau khi Tổng cục Hải quan rà soát và thiết lập các tiêu chí quản lý, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Hãng tàu/Đại lý hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng.
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu cam kết thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng tồn đọng xác định là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tránh việc lợi dụng chỉ tái xuất lượng hàng hóa còn khả năng tái chế còn để lại cảng biển Việt Nam các loại hàng hóa không còn khả năng tái chế gây ô nhiễm môi trường.
Theo nguồn :" Logistics Viet Nam "